Bài 2: Ai Có Thể Giải Cứu Ngành Chăn Nuôi?
Hơn một năm qua, giá heo hơi giảm mạnh khiến người chăn nuôi rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhiều người không có khả năng trả nợ và nguy cơ bỏ nghề, treo chuồng và phá sản rất cao!
Dù các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương đều biết nhưng vẫn chưa có một biện pháp cụ thể nào để hỗ trợ ngành nuôi. Mới đây Cục Chăn Nuôi đề nghị miễn giảm 5% thuế VAT cho thức ăn chăn nuôi nhằm hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi nhưng chưa có kết quả.
Có thể thấy, cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi Việt Nam xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan (người chăn nuôi thiếu thông tin, thiếu vốn, thiếu kiến thức, sử dụng chất cấm và kháng sinh bừa bãi) lẫn những nguyên nhân khách quan (bệnh dịch, thịt nhập khẩu, sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng). Những vấn đề trên đã tồn tại trong nhiều năm nhưng ít được quan tâm giải quyết. Đã đến lúc, ngành chăn nuôi CẦN phải chịu/có một cuộc khủng hoảng để tự đào thải, tự cạnh tranh rồi phát triển bền vững.
Giá cả trên thị trường do cung và cầu quyết định. Quy luật này sẽ tự bình ổn giá các mặt hàng và ngành chăn nuôi cũng cần trải qua như vậy! Cơ quan chức năng không nên tác động đến sự vận hành của thị trường, hãy để bàn tay “vô hình1” giải quyết. Nếu có sự tác động nào đó sẽ làm lạc hướng sự phát triển bền vững lâu dài của ngành.
Nhìn ra thế giới, ngành chăn nuôi của Đài Loan và Hàn Quốc cũng lâm vào trình trạng như ở Việt Nam, người chăn nuôi đang khốn khổ vì giá heo hơi quá thấp nhưng chi phí sản xuất quá cao. Hiện Hàn Quốc là một trong những nước có giá thịt heo hơi cao nhất thế giới (khoảng 3,13 USD/kg hơi) nhưng người chăn nuôi vẫn bị lỗ. Nguyên nhân là nguồn cung thịt heo trong nước quá nhiều đẩy giá thịt heo xuống và áp lực thịt nhập khẩu từ Canada và Mỹ2. Chưa kể, Hàn Quốc cũng như Việt Nam sẽ bị áp lực do các điều khoản thương mại tự do khi tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) sắp tới.
Nhưng ngành chăn nuôi Hàn Quốc có nhiều yếu tố “đề kháng” với khủng hoảng tốt hơn ngành chăn nuôi Việt Nam. Họ có một hệ thống quản lý thật chặt chẽ, thông tin chính xác và kịp thời. Người chăn nuôi Hàn Quốc không dùng chất cấm để tạo nạc và kháng sinh để tăng trọng heo. Vừa qua các hiệp hội chăn nuôi Hàn Quốc đã tự nguyện giảm đàn 10% trong thời tới để cân đối lại giữa cung và cầu trong ngành với hy vọng đẩy giá heo lên3.
Còn ở VN, trong tình cảnh kiệt quệ về năng lực tài chính, người chăn nuôi rất bơ vơ và vô cùng khó khăn để bám trụ với nghề. Trong khi chờ các cơ quan chức năng có những chính sách lâu dài và bền vừng, người chăn nuôi phải tự cứu lấy mình trước bằng cách: Giảm đàn, giảm chi phí sản suất, tăng năng suất và quan trọng hơn hết là lấy lại niềm tin người tiêu dung, cụ thể:
- Tự trộn thức ăn cho heo để giảm chi phí (thức ăn chăn nuôi chiếm trên 70% giá thành chăn nuôi ở VN). Với những phụ gia đậm đặc sẵn có hiện nay, tự trộn thức ăn có thể giảm được 10-12% chí phí thức ăn bao gồm 5% VAT, chi phí vận chuyển, bao bì...
- Dùng các dinh dưỡng có chất lượng và nguồn gốc rõ ràng để tăng năng suất trong tất các giai đoạn nuôi heo như tăng tuổi thọ cho nái sinh sản, giảm ngày nuôi heo thịt, tăng tỷ lệ chuyển hoá thức ăn, giảm tỷ lệ chết cho heo con…
- Vệ sinh an toàn sinh học chuồng trại đúng quy trình, tiêm ngừa trước khi bịnh dịch phát sinh. Đừng để bịnh dịch nổ ra rồi mới trị bịnh.
- TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG CHẤT CẤM TRONH CHĂN NUÔI
Còn đối với cơ quan chức năng cần phải có những chiến lược lâu dài nhưng cụ thể để nâng cao năng lực của cả ngành trong thời gian tới. Cụ thể:
- Thay đổi và cơ cấu lại toàn bộ quản lý ngành nông nghiệp để hộ trợ một phương hướng phát triển của ngành trong tương lai. Phải có một hệ thống quản lý chặt chẽ, hoạt động chính xác và hiệu quả. Hệ thống này phải quản lý được toàn bộ hoạt động của ngành chăn nuôi trong địa bàn hoạt động của mình. Trong hệ thống phải ghi chép được số liệu trung thực và cập nhật, phải biết được điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống đang vận hành và từ đó đưa ra những biện pháp để khắc phục hoặc phát huy điểm mạnh. Phải có hệ thống quản lý thương lái, nhà thuốc thú y, nhà máy sản xuất thức ăn và cơ sở giết mổ.
- Cần phải có những chương trình đào tạo căn bản cho người muốn vào hoạt động trong ngành chăn nuôi- trong đó có các nội dung: kỹ thuật chăn nuôi, quản lý chuồng trại, môi trường, thú ý, rủi ro...
- Hỗ trợ vốn và lãi suất cho ngành chăn nuôi, cụ thể cho người chăn nuôi vay vốn với lãi suất bằng 1/2 lãi suất bình thường. Trong đó tập trung hỗ trợ những cá nhân hoặc tổ chức đầu tư sản xuất heo giống và tinh giống công nghệ cao, phẩm chất tốt, năng suất cao, có kiểm định để phân phối cho thị trường rộng rãi. Khuyến khích những hộ nông dân hoặc tổ chức đang nâng cấp từ trại hở và lên trại bán lạnh hoặc trại lạnh hoặc di chuyển chuồng trại ra khỏi vùng dân cư.
- Không nên tài trợ vắc xin hàng năm cho người chăn nuôi khi dịch bệnh đến, vì biện pháp này không hiệu quả và gây ra nhiều vấn đề rất phức tạp trong quá trình thực hiện và ảnh hưởng đến những chính sách phát triển bền vững lâu dài của ngành. Biện pháp ngừa bệnh lúc nào cũng tốt và hiệu quả hơn trị bệnh.
_______________________________________________
Phan Văn Danh
HTX Xuân Phú, Xuân Lộc Đồng nai
Website: www.htx-xuanphu.com
Tài liệu tham khảo:
1. Adam Smith (nhà kinh tế vĩ đại)
2. The pig site:Viet Nam: Hog Markets-Genesus Genetics
3. National Hog Farmer-South Korea’s Abundant Pork Supplies Will Challenge U.S. Pork Sales